Vì sao áo mặc thường đơm 5 nút

Nhu cầu “Thực – y – trú – hành” (ăn, mặc, ở, đi) gắn bó mật thiết với con người trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Trong đó, “mặc” giữ vai trò quan trọng thứ hai và là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Nhân ngày Giỗ tổ Thợ may (12-12 âm lịch), chúng ta hãy thử tìm hiểu vì sao từ xưa đến nay áo mặc luôn đơm (kết) 5 nút (cúc).

Trang phục xưa và nay

Trang phục ngày xưa mỗi chiếc áo dù ngắn hay dài khi đơm nút phải là năm nút, tượng trưng cho “ngũ luân” theo Nho giáo đó là năm giềng mối trong quan hệ xã hội giữa người với người. Đó là vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợbạn bè

Con số năm cũng là ngũ hành: Kim – mộc – thủy – hỏa – thổ.

Con số năm cũng là ngũ thường  tượng trưng cho người quân tử theo đạo Khổng: Nhân – lễ – nghĩa – trí – tín.

Con số năm cũng tượng trưng cho ngũ uẩn: Sắc – thọ – tưởng – hành – thức trong triết lý nhà Phật.

Trong Hỏi đáp về Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, tập 3 Văn hóa nghệ thuật, trang 7- 12, ghi:
Quần áo của người bình dân:
Đàn ông lúc làm lụng thường mặc quần đùi hay quần lỡ và chiếc áo lá không cổ, không tay, được nhuộm màu nâu hay màu đen. Loại áo quần được may bằng vải ta nên còn gọi là áo bả.
Đàn bà thường mặc áo ngắn tay hay dài bên ngoài chiếc yếm với chiếc quần dài. Trời mưa cả đàn ông, đàn bà khoác áo tơi. Áo tơi kết bằng lá dừa nước nên khá nặng nề.

Một loại áo khác của người bình dân là áo cổ giữa. Áo ngắn, gài nút trước ngực, áo nam có xẻ nách, áo nữ thì bít kín.

Đàn ông hay đàn bà đều mặc quần đáy lá nem. Quần hai màu. Phần đáy và hai ống quần phía dưới bằng vải màu nâu hoặc màu đen. Phía trên là lưng quần cao khoảng hai tấc may bằng vải xanh hay vải trắng. Nhiều chị em phụ nữ kín đáo, thích mặc quần rất dài. Khi xổ lưng vận ra, kéo thẳng thì đến tận nách nên gọi là “quần nách”. Sợi dây lưng dùng làm điểm tựa để giữ chiếc quần và mớm lưng quần.

Áo dài  là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Trước năm 1945 có nhiều bà cụ mặc chiếc áo dài vải đen gánh hàng đi chợ bán hoặc mặc áo dài đi cấy. Họ quấn hai vạt buộc ngang hông lại.

Áo “chít” (áo chiếc) là loại áo dài đơn, có bâu, tay dài nhưng hơi rộng, gài nút bên phải. Áo chiếc may bằng lụa hay bằng the, mặc trong mùa hè.

Áo “lót” (cặp) là loại kiểu áo dáng như áo chiếc nhưng may hai lớp. Lớp trong bằng lụa trơn, lớp ngoài bằng nhung, gấm hay một loại tơ quý, có hoa văn đẹp.

Áo song khai  là loại áo gài nút trước ngực, tay dài, rộng, có bâu hoặc không có bâu, vạt sau được xẻ lên tới lung còn hai bên tà thì kín bít nên gọi là “song khai” (tức là mở phía trước và mở phía sau). Người mặc áo song khai thường đội nón chóp, đi giày mã vĩ.

Nút áo rất quý. Áo ngắn thường kết nút đẹp. Nút đẹp bằng ốc xà cừ nên gọi là nút “ốc”. Cũng có trường hợp dùng nút hột. Nút hột thường bằng vàng, thau, ngà xương.

Ngày nay trang phục đã cách điệu rất nhiều. Áo mặc đơm 4, 5, 6 nút. Ngay cả áo dài cũng đã cách tân. Theo học giả Đào Duy Anh, viết:“Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả. Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”. 

Tổ Thợ May là ai?

Truyền thuyết và lịch sử đều ghi nhận bà Nguyễn Thị Sen là Đức Thánh Tổ nghề may Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Sen (? – ?), là thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử Việt Nam, Bà được coi là bà tổ nghề may. Bà quê quán ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá, Bà tổ của nghề may là Nguyễn Thị Sen, một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục truyền rằng, Nguyễn Thị Sen là tứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng, kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Về Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua. Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, bà đã từ giã hoàng cung cùng với con trở về quê hương truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề áo dài truyền thống (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *